chữ chạy

Chào mừng quý thầy cô và các bạn học sinh đến với web-blog tập thể lớp 8/9 - Chi đội Hà Huy Tập - Trường THCS Lý Tự Trọng - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam

hình ảnh hoạt động

BÀI DỰ THI GIỚI THIỆU SÁCH

     Kính thưa quý thầy cô!
     Các bạn học sinh thân mến!
     Nhằm chào mừng ngày sách Việt Nam 21/4, tập thể lớp 8/9 chúng em xin gửi tới quý thầy cô cùng bạn đọc một cuốn sách hết sức thú vị mang tên “Một phút làm thay đổi đời người –Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của tác giả Thượng Hồng.
Bìa sách.
     Trong cuộc sống, niềm hạnh phúc và sự thành công luôn là thứ mà con người mong muốn đạt được. Nói cách khác, chúng ta chỉ muốn có mỗi ngày trôi qua đều bình yên và không âu lo hay phiền muộn. Thế nhưng, mỗi một đời người đều phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, lo toan, phiền muộn thì chúng ta mới thực sự tìm thấy sự bình yên trong chính con người mình. Nhiều lúc những biến cố xảy ra dường như đẩy chúng ta vào hoàn cảnh tuyệt vọng. Chính lúc đó, liệu rằng sẽ có một con người nào đó tốt bụng, dang rộng vòng tay để giúp đỡ hay được những vị thánh thần nào đó sẽ bảo vệ chúng ta thoát khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo đó?Không ít người từng tin vào điều đó và chỉ một số ít nhận được “những phước lành” đó.Nếu như chính chúng ta là người không nhận được“những phước lành” đó thì chúng ta vẫn có thể vượt qua được khó khăn mà chúng ta đang mắc phải không? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính ý chí cũng như những lời mách bảo của con tim mình.
     Đâu đây, trên khắp thế giới tưởng chừng như tràn đầy đầy niềm vui vẫn còn có những mảnh đời bất hạnh, những số phận đáng thương và họ đã từng chìm sâu vào hố đen của sự tuyệt vọng. Những chính họ đã đứng lên, chống lại sự an bài của số phận và viết nên những câu chuyện oai hùng về cuộc đời của chính mình. Họ thực sự là những tấm gương sáng mà chúng ta nên học tập. Do vậy, tác giả Thượng Hồng muốn gửi đến các bạn đọc gần xa cuốn sách này với mong muốn nó sẽ giúp ích được những ai đang gặp những khó khăn và cần sự giúp đỡ tù chính lí trí và tình cảm của mình.
     Cuốn sách gồm 160 trang và được in với khổ 13×20. Toàn bộ tác phẩm có tổng cộng 25 câu chuyện nhỏ với những tực đề thể hiện tính chất của câu chuyện như như Luật Ômêta, Anh chỉ đáng làm bồi tây, Gói xôi bắp của mẹ, Cô Thủy...Mỗi câu chuyện là một con người với những hoàn cảnh khác nhau. Họ có thể là một người học sinh vừa ra trường hay một người công nhân viên chức, thậm chí là một anh chàng tội phạm... Nhưng đều giống nhau ở chỗ, họ đều là những người bình thường như chúng ta. Họ có tình yêu, có nhận thức về mọi việc xung quanh mình.Ở phần đầu mỗi câu chuyện, tác giả đã nêu lên bài học mà ta cần phải thấu hiểu trong suốt quá trình đọc. 
     Trong toàn bộ cuốn sách, có lẽ mẩu truyện để lại cho em một ấn tượng khó phai nhất chính là mẩu chuyện mang tên “Cô Thủy”.Câu chuyện kể về một chị học sinh nghèo. Vì không có đủ tiền nộp học phí nên chị suýt chút nữa thì nghỉ học.Cùng lúc đó, người giáo viên phụ trách môn văn của chị – cô Thủy đã kịp thời giúp đỡ. Cô đã đổi chiếc xe tay ga mà cô dành dụm, chắt chiu từ đồng lương ít ỏi của giáo viên của cô để lấy chiếc xe khác và lấy số tiền dư ấy giúp chị đóng học phí. Thế nhưng, người nhà giáo nhân hậu ấy đã nói dối rằng đây là số tiền quyên góp của “nhà hảo tâm” để không làm em khó xử. Bởi với tư cách một giáo viên tận tâm với nghề như cô, chắc chắn cô phải hiểu rõ tâm lí của học sinh mà mình dạy dỗ. Cô nghĩ rằng nếu như em hoc sinh ấy biết sự thật thì sâu trong tiềm thức của em ấy, em sẽ cho rằng mình đang mắc nợ cô và cô hòan toàn không muốn em ấy bước vào xã hội với suy nghĩ ấy.Chính nhờ lời nói dối ấy của cô mà chị học sinh đó đã tốt nghiệp phổ thông loại xuất sắc và đậu vào trường Đại học Kinh tế. Tuy nhiên, chị ấy lại vô tình biết được sự thật qua lời kể của cô con gái của cô giáo mình. Từ trong đáy lòng mình, những tiếng nói bỗng vang lên một cách không kiểm soát :“Cô ơi!”. Những thứ tình cảm không tên cứ dần dần dâng trao trong trái tim vốn chịu nhiều bất hạnh của cô học sinh trẻ tuổi.
     Song hành cùng tình cô trò cảm động ấy là tình mẹ con được khắc họa một cách sâu sắc chợt hiện lên trong câu chuyện mang tên "Đôi mắt của mẹ". Từ một chàng thanh niên trẻ và tràn đầy sức sống bỗng trở thành một tên tội nhân vượt ngục chỉ vì vài phút giây lầm lở. Tuy vậy nhưng nhờ tình thương yêu mẹ mình, anh đã thức tỉnh. Dù cho biết rằng nếu bị tố giác, chắc chắn anh sẽ lại phải rời xa người mẹ yêu quý để trở lại tù giam, nhưng anh vẫn cố bảo vệ mẹ mình. Anh cõng bà ấy chạy đi trong khu rừng tối mịt. Anh cố hết sức chạy thật nhanh và rồi khi kiệt sức, anh đã nhận ra những sai lầm của mình và cố thều thào “Má! Con sẽ không làm gì quấy nữa”. Thật sức rất hiếm những người có thể nhận ra họ đã và đang bước đi trên con đường sai trái cho đến khi những cảm xúc của chính họ ngăn lại. Những cảm xúc ấy chính là tiếng nói trong chính trái tim họ. Trong phút cuối đời, anh chàng thanh niên trên đã thực sự cảm nhận được người mẹ đã nuôi hắn khôn lớn chính là mạch sống của hắn.
     Kính thưa thầy cô cùng các bạn học sinh!
     Tác giả Thượng Hồng từng nói: “Trong cuộc sống luôn phải đối diện với những khoảnh khắc có tính chất quyết định đến sự thành bại. Do vậy, khi đối diện với mỗi khoảnh khắc ấy, chúng ta cần phải “nhìn trước, nhìn sau”, tức là phải đặt mình và hành động của mình vào mối tương quan giữa quá khứ, hiện tại và tương lai trước khi quyết định thực hiện nó, để sau này khỏi phải hối tiếc. Tôi mong những nhân vật trong sách, ở một góc cạnh nào đó, với những câu chuyện rất thực sẽ trở nên những bài học tuy nhỏ bé nhưng hữu ích dành cho bạn đọc. Và tôi cũng tin rằng những ai sống trung thực, lương thiện như những nhân vật trong sách của tôi ắt sẽ có được cuộc sống tốt đẹp.”
     Thật khó có thể diễn tả được những điều đáng để chúng ta học hỏi thông qua cuốn sách này.Nào hãy thử đọc cuốn sách và thử suy ngẫm về việc chúng ta đã và đang làm. Một lần nữa, tập thể lớp 8/9 chúng em xin được trân trọng giới thiệu cùng quý thầy cô và các bạn món quà nhỏ này và mong rằng các bạn sẽ có thêm niềm tin và nghị lực để chiến thắng những nhọc nhằn trong cuốc sống.
     Xin chân thành cảm ơn! 
Hồ Quang Vinh

BÀI DỰ THI VIẾT PHÓNG SỰ NGÀY HỘI "VUI TẾT NGUYÊN TIÊU"

Tết Nguyên Tiêu là một ngày hội cổ truyền ở Việt Nam và diễn ra vào rằm tháng Giêng (âm lịch) với nhiều hoạt động khác nhau. Hoà cùng ngày hội ấy, tại trường trung học cơ sở mang tên vị anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng cũng có nhiều hoạt động diễn ra nhằm tái hiện lại hình ảnh xưa như ông đồ viết thư pháp, làm hoa giấy nghệ thuật,... luôn được diễn ra. Đây là hoạt động thường niên kể từ năm học 2011-2012 nhằm khơi dậy nơi học sinh lòng tự hào dân tộc, đồng thời là dịp để chúng em được thể hiện sự khéo léo từ đôi tay của mình. Buổi sáng hôm nay với tiết trời se se lạnh, những hạt mưa bay lất phất trong gió rồi dịu dàng bao phủ cả một bầu trời rộng lớn. Đâu đây những khúc ca mừng ngày mới của những chú chim vang lên giữa không trung như muốn nhắc nhở mọi người rằng: “Hãy mau chào đón ngày Tết Nguyên Tiêu thôi nào!”. Trong hội trường hàng ngàn học sinh cùng các thầy cô giáo vẫn đang tất bật chuẩn bị cho buổi lễ từ rất sớm. Những tiếng cười, tiếng nói hòa cùng với những nét tươi vui trên khuôn mặt của mọi người đã tạo nên một bức tranh sinh động và tràn ngập sắc màu. Tiết trời có phần se lạnh ấy vậy mà, không khí vẫn náo nhiệt đến lạ thường.


Tất cả mọi người đều tất bật chuẩn bị cho ngày hội Nguyên Tiêu.
 
Khoảng 7 giờ hơn, ngày hội "Vui Tết Nguyên Tiêu" đầy hấp dẫn chính thức bắt đầu.

   Lúc này đây, không khí náo nức làm em lại nhớ đến những vần thơ đầy xúc động:
"...Năm nay đào lại nở,

Không thấy ông đồ xưa.

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"
Nhà thơ Vũ Đình Liên đã từng nuối tiếc về một thời ông đồ bày mực tài giấy đỏ đã dần lụi tàn vào trong dòng chảy vội vã của cuộc sống. Thế nhưng, hoạt động ấy lại được tái hiện ngay chính trong khán phòng đầy yêu thương này-nơi không những gieo con chữ mà còn gieo cả cho tâm hồn chúng em lòng tự hào dân tộc. Những nét chữ là cả tấm lòng của người viết cùng những lời khen ngợi, reo hò của mọi người xung quanh càng làm cho không khí trở nên nóng hơn. Nhìn những “ông đồ nhí” đang say sưa bên tác phẩm của mình chắc chắn sẽ khiến cho quý thầy cô cảm giác như đang đắm chìm trong kí ức tuổi thơ của chính mình.
Bên cạnh đó, hoạt động làm hoa giấy nghệ thuật cũng không kém phần sôi động càng làn cho ngày hội trở nên đa sắc màu hơn. Các bạn ấy đã cố gắng rất nhiều trong phần thi của mình để tạo ra những lọ hoa đẹp nhất. Những bông hoa sặc sỡ được làm rất tỉ mỉ bằng giấy đã góp phần điểm tô cho buổi lễ bằng những màu sắc riêng biệt của nó. Các bạn chắc chắn sẽ rất vui nếu như sự cố gắng của mình có thể nhận được những món quà xứng đáng.
Song song với cuộc thi đó là cuộc thi viết phóng sự đang diễn ra tại phòng học số 22. Tại đây, những bạn học sinh tập tành trở thành phóng viên tương lai, ai ai cũng say sưa viết các bài phóng sự về buổi lễ. Ai nấy đều tập trung hết sức cao độ cho bài viết của mình và mong sao cho bài làm sẽ nhận được lời khen từ thầy cô.
Đây thực sự là một buổi lễ đáng nhớ. Những âm thanh, những sắc màu hòa quyện cùng với những khuôn bậc cảm xúc khác nhau đã tạo nên một khung cảnh thật sự của sự phồn hoa trong một ngày hội như hôm nay. Mong rằng trường ta sẽ luôn luôn có những ngày vui tươi như hôm nay và những phong tục như ông đồ viết thư pháp sẽ được ghi nhớ.

CÁC TÁC PHẨM DỰ THI SÁNG TÁC NHÂN NGÀY 20/11

VĂN:
Tiết trời trở lạnh sang đông. Ngày 20-11 lại đến. Những kỷ niệm về công ơn thầy cô giáo bỗng trổi dậy trong tiềm thức khiến em lại nao nao xúc động. Nhanh thật! Mới đó mà gần bảy năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên em cắp sách đi học. Gần bảy năm em đến trường được thầy cô giảng dạy, mười năm mà tình nghĩa của thầy cô ngọt ngào quyện theo mỗi bước tiến của chúng em. Và bây giờ đây em đang ở ngôi trường THCS Lý Tự Trọng thân yêu, học lớp 8/9 với thầy cô mới nhưng hơn 2 tháng qua cũng đã là quá đủ để em cảm nhận được tình yêu thương mà các thầy các cô đã dành cho chúng em. Và em cảm thấy mình đã lớp 7 rồi mà vẫn như là học sinh lớp 1, mới bẽn lẽn bước vào lớp.

Điều mà em đón nhận được ở tất cả các thầy cô ấy là tình thương bao la vô bờ bến. Đã bao lần em bắt gặp ở thầy cô nét phiền muộn ưu tư khi chúng em chưa ngoan. Và cũng bao lần em nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ làm thầy cô trẻ hẳn lại mỗi lúc chúng em cố gắng trong học tập.
Thầy cô đã vì chúng em mà không quản ngại khó khăn. Vậy mà đôi lúc chúng em nào có hiểu ra điều đó làm cho thầy cô phiền lòng. Chúng em đã từng không chuẩn bị bài khi đến lớp, và viện lý là bài khó quá, không biết làm. Nhưng tại sao chúng em không hiểu rằng để giảng dạy cho dễ hiểu, thầy cô đã tốn bao công sức chuẩn bị giáo án hằng đêm.
Tại sao chúng em không biết rằng có những đêm mưa gió bão bùng, trong lúc chúng em ngủ say thì thầy cô còn thức bên ngọn đèn chấm bài, sửa từng câu, từng chữ… Còn biết bao câu hỏi tại sao, chúng em thật nông nổi và đáng trách. Nhưng thầy cô bao giờ cũng sẵn sàng tha thứ cho chúng em bằng tình thương yêu học trò nồng thắm. Ôi thầy cô của chúng em! Rồi khi em được công nhận là học sinh giỏi, cha mẹ, bạn bè và người xung quanh đều khen ngợi. Nhưng em hiểu rằng, đằng sau thành tích đó là những giọt mồ hôi và hơi ấm tình thương của thầy cô. Em như một mầm cây, còn thầy cô là lòng đất. Cây phải nhờ đất nuôi sống, nhờ đất lớn lên và làm đẹp cho đời. Thế nhưng người ta chỉ khen cây cho trái ngọt, mấy ai nhớ đến nguồn gốc đã nuôi sống mầm cây.
Song, đất không bao giờ phiền lòng về điều đó, vẫn tháng tháng ngày ngày nuôi sống vẻ đẹp cho đời. Thầy cô cũng vậy, như dòng nước chảy xuôi, dạy dỗ chúng em mà không hề toan tính. Cho nên chúng em – những mầm cây phải biết cội nguồn cho mình sức sống, mà tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô. Dù không biết là nhớ ơn thế nào cho đủ, nhưng cũng phải tỏ chút gì để thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Lòng biết ơn đôi khi chỉ là việc đến thăm sức khỏe thầy cô mỗi dịp Tết đến, lễ lộc… nhưng nó sẽ động viên thầy cô rất nhiều trong việc giảng dạy.
Một mùa Xuân mới lại sắp về. Chúng em thêm một tuổi, và tóc Thầy Cô cũng thêm nhiều sợi bạc. Tóc thầy cô đã bạc đi cho mùa xuân trên quê hương Việt Nam mãi tươi xanh. Thầy cô là tấm gương sáng tuyệt vời, là ngọn đuốc thiêng liêng soi đường cho chúng em bước tới tương lai. Để rồi mai kia khi chúng em làm giàu mạnh quê hương. Em sẽ vào cấp 3, tiếp tục con đường học vấn của mình.
Bước đường tương lai rộng mở trước mắt em. Con đường ấy chính là do thầy khai mở. Vì thế, cho dù đã trưởng thành đến mấy, dù giữ vị trí nào trong xã hội, thì những hình bóng kính yêu của thầy cô mãi mãi ở bên em như nhắc nhở, động viên em trong suốt cuộc đời này. Chúng em xin được kính tặng cô những bông hoa tươi thắm nhất, không chỉ là tấm lòng mà chúng em giành cho thầy cô mà còn là một lời hứa chân thực nhất chúng em muốn nói với thầy cô: “Chúng em sẽ cố gắng chăm ngoan hơn nữa để không phụ lòng tấm lòng thầy cô đã mong mỏi ở chúng em”.
Ngoài mẹ cha , thầy cô là tất cả ,
Đã cho em đôi cánh bước vào đời
Trong lòng em mãi luôn thầm nhủ :
“Nhớ ơn thầy cô đến trọn đời!”
Đỗ Thế Phúc - Lớp 8/9
THƠ:
MÁI TRƯỜNG LÀ MÁI NHÀ VUI

Mái trường là mái nhà vui
Có bè có bạn là người em thương
Có thầy cô chỉ dẫn đường
Để làm người tốt hiền lương với đời

Mỗi giờ ghi chép bao lời
Câu văn, dạng toán,...đất trời thênh thang
Con như đứa trẻ miên man
Say mê điệu lý ngân vang thuở nào

Gửi ai qua bến hôm nao
Nhớ về ngày ấy biết bao la tình
Lời cô con vẫn đinh ninh
Dầu bao sóng gió ân tình chẳng phai

Hành trang con bước ngày mai
Ghi lòng tạc dạ tương lai sáng ngời
Tri ân Nhà giáo bao lời
Cho con vững bước, cuộc đời sang trang!


Nguyễn Thị Ngọc Hân - Lớp 8/9

Ý NGHĨA NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2016)



Cách đây hơn 54 năm, tháng 8-1954 do sáng kiến của Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE), hội nghị quốc tế các nhà giáo với nòng cốt là công đoàn giáo dục các nước XHCN đã nhất trí thông qua “bản hiến chương các nhà giáo”.Tháng 8-1957. Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Vác-xa-va (Ba Lan) đã quyết định lấy ngày 20-11 hằng năm là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Bản Hiến chương các nhà giáo gồm 15 chương, trong đó có một số nội dung chủ yếu:

   Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học. Đấu tranh thủ tiêu các chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo. Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.

   Được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là ĐCSVN), Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phổ biến toàn văn bản Hiến chương các nhà giáo đến các trường học, các cơ quan giáo dục miền Bắc; đồng thời thông tin đến các giáo giới, đồng bào, học sinh, sinh viên miền Nam và quyết định tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên ở nước ta vào ngày 20-11-1958.

   Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20-11-1958, không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh (giới tuyến quân sự tạm thời giữa ta và địch) đến các vùng biên giới hải đảo. Từ miền núi đến vùng đồng bằng ở miền Bắc đều có những hoạt động phong phú tại các trường học trên địa bàn huyện, quận, thị xã… Nhiều thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Bắc gửi lên Hồ Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ với lời hứa quyết tâm học tập, rèn luyện, nâng cao giác ngộ cách mạng XHCN, ý thức đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng nhà trường XHCN. Hàng nghìn lá thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Nam; thông qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã nói lên lòng sôi sục căm thù Mỹ-Diệm phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, cố tình chia cắt lâu dài nước ta, ủng hộ phong trào đấu tranh của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Nam Việt Nam chống Mỹ-Diệm; đòi thực hiện một nền giáo dục dân tộc, dùng tiếng Việt dạy trong các trường đại học, đòi tăng ngân sách cho giáo dục để mở trường lớp, bảo đảm việc học tập cho học sinh, bài trừ tệ nạn văn hóa-giáo dục nô dịch trụy lạc của đế quốc Mỹ; đấu tranh chống mọi cuộc đàn áp, bắt bớ, tù đày, sát hại những nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu nước tại miền Nam Việt Nam và kiên quyết đấu tranh nhằm đem lại hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà.

   Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20-11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

   Với ý nghĩa tích cực của Ngày 20-11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4-1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em… Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26-9-1982 quyết định hằng năm sẽ lấy ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định số 167/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với giáo giới nước ta và đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên, những người làm công tác giáo dục trong sự nghiệp đào tạo lớp người lao động mới vừa có đức, vừa có tài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

LAO ĐỘNG TÌNH NGUYỆN

Ngày 10/11/2016, tập thể lớp 8/9 đã tổ chức lao động tình nguyện, dọn vệ sinh phòng học của lớp mặc dù nhà trường không có kế hoạch lao động cho lớp. Các bạn học sinh đã tham gia lau dọn phòng học rất nhiệt tình và vui vẻ.





TIẾT MỤC DỰ THI TUYÊN TRUYỀN KỸ NĂNG SỐNG LỚP 8/9

Tiết mục mang tên "Những trái tim Việt Nam" được tập thể lớp 8/9 thể hiện hết sức mình.