chữ chạy

Chào mừng quý thầy cô và các bạn học sinh đến với web-blog tập thể lớp 8/9 - Chi đội Hà Huy Tập - Trường THCS Lý Tự Trọng - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam

hình ảnh hoạt động

BÀI DỰ THI SÁNG TÁC NGÀY 20 - 11

THẦY CỦA CHA EM
Mỗi năm cứ gần đến ngày 20 tháng 11 là em lại được theo cha về quê nội thăm thầy cũ. Đường về quê quanh co, khúc khuỷu, lội qua vài cánh đồng lúa đang lên đòng, sũng nước mưa mùa nước lớn làm cho em bao giờ cũng có cảm giác vừa quen, vừa lạ và hồi hộp đến lạ lùng. Những con đường ruộng be bờ nho nhỏ, nhấp nhô lượn sóng kéo dài tít tắp nên nhìn cái rặng tre làng xanh xanh cứ nhỏ xíu như tranh. Tất cả hòa quyện cùng hương lúa mới tạo cho con người cái cảm giác khoan khoái lâng lâng mà người sống ở thành phố chắc là không bao giờ có được.
Loanh quanh một hồi rồi cũng đến gian nhà ngói ba gian cũ kỹ của ông “Thầy”. Bụi thời gian không làm mất đi dáng vẻ cổ kính, đầm ấm và vô cùng thanh khiết của căn nhà nhà giáo. Thầy của cha đang ngồi đọc sách ở trường kỷ trong gian giữa vừa là nơi tiếp khách vừa là chỗ thờ tự hương khói ông bà, lưng đã còng hơn năm ngoái và mái tóc giờ đã bạc trắng. Hơn bảy mươi tuổi rồi còn gì! Cả hai cha con em cùng lên tiếng: “Kính chào thầy ạ!” Thầy quay ra cười thật tươi và không hề ngạc nhiên như đã biết trước vậy. Thầy nói: “Ta biết thể nào hai cha con anh cũng về sáng nay mà” và quay sang em Thầy bảo: “Cha anh!  Cha anh gọi Thầy mà anh cũng gọi Thầy nghe có được không?” Giọng nói còn sang sảng của ông Thầy già làm em thấy vui và mừng cho học trò của thầy lắm. Cuộc đời của Thầy lại trở về trong em qua lời kể của cha như hằng năm cứ đến ngày Nhà Giáo.
Người là đồng nghiệp, là người thầy, là con đường dẫn cha em đến với nghề cầm phấn hôm nay. Nghĩ đến Người, cha em thường quên đi nỗi khó khăn của cuộc sống mưu sinh, quên đi những gian nan, vất vả của nghề. Tốt nghiệp Đại học sư phạm Toán ở Huế về trường dạy chưa được bao lâu, Thầy lên đường nhập ngũ làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam Pu Chia và một cánh tay của Thầy đã nằm lại trên đất bạn vì sự sống của con người. Trở về trường cũ, ông Thầy vẫn là thầy giỏi mang kiến thức và mơ ước về một cuộc sống ngày mai tươi sáng truyền lại cho lớp đàn em, trong đó có cha. Thầy là người nổi tiếng giỏi nghề và nhiều thế hệ học trò ngưỡng mộ là cái tình và chữ tâm mà Thầy đã dành trọn cuộc đời cho nghiệp “lái đò”.
Cha kể ngày ấy có bạn trong trường mắc bệnh hiểm nghèo, Thầy khóc và tìm mọi cách giúp bạn chữa bệnh. Nhiều bạn trong lớp bảo “Thầy ôm rơm nặng bụng” Thầy bảo: “Các em không biết đau nỗi đau của đồng loại thì chưa phải là người” và như thế Thầy đã thức tỉnh trong lòng bạn bè của cha điều quý nhất, đó là lương tâm nhà giáo.
Cái tình của ông Thầy thật lớn. Nay ông đã già nhưng điều hạnh phúc nhất đối với ông là bốn người con của ông đều theo nghiệp cha và đều trở thành những nhà giáo giỏi có tâm, có tình với nghề. Cuộc đời Thầy là bài học,là tấm gương không mờ cho các thế hệ học trò soi chung. Vậy nên, cha em đi học nghề Y nhưng cuối cùng cũng theo cái nghiệp cầm phấn của Thầy và luôn cố gắng để trở thành một thầy giáo hết lòng vì học trò như Thầy.

Thầy và cha nói chuyện xong, cha con em chào thầy ra về mà trong lòng luôn thầm nhắc cố gắng trở thành những người thật có ích cho xã hội để không phụ lòng những người Thầy như Thầy của cha.
Nguyễn Phạm Minh Triết


Tóc  thầy


Giờ ra chơi ôn bài bên cửa sổ
Một cơn gió vô tình thoảng ngang qua
Tà áo dài phất phơ bay trước mắt
Mái tóc nào đã điểm vài hoa râm.

Nhớ những ngày bước chân vào trung học
Lũ trẻ thơ ngây dại chả biết gì
Thêm một tuổi thêm mấy trò quậy phá
Người đưa đò vì thế tóc bạc chăng?

Tôi đứng lặng với muôn ngàn câu hỏi
Ô! Đâu cần câu trả lời vẫn vơ
Nghe lời thầy cô chuyên học tốt
Vậy là đủ nhuộm lại tóc pha sương.

Lê Minh Tú